Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Mỗi sản phẩm OCOP mang vai trò “đại sứ” của từng vùng miền
“Mỗi sản phẩm OCOP mang trên mình vai trò như một “đại sứ” của từng vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang nhiều tính nhân văn”.

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến tại Hội nghị kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên kết cùng phát triển được tổ chức tại Cà Mau sáng 11/12.

Hội nghị do Bộ NNPTNT và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử và hơn 100 chủ thể OCOP vùng ĐBSCL và 43 doanh nghiệp (gồm 24 nhà thương mại, siêu thị, sàn thương mại điện tử và 19 doanh nghiệp đầu vào, doanh nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp công nghệ) tham dự hội nghị.

Tại Hội nghị các đại biểu tham gia đóng góp nhiều ý kiến nhằm góp phần đưa các sản phẩm OCOP ngày càng vươn xa hơn. Ảnh: An An

Hội nghị cho biết, tính đến nay, cả nước đã có trên 10.800 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của trên 5.600 chủ thể OCOP, trong đó có 37,9% là hợp tác xã, 24% là doanh nghiệp, 35,2% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của từng địa phương.

Trong đó, tính riêng tại khu vực ĐBSCL có trên 2.000 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (chiếm 18,8% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước), với 922 chủ thể OCOP.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã thông tin về tình hình phát triển các sản phẩm OCOP tại tỉnh Cà Mau trong thời gian qua. Theo ông Sử, tính đến nay, Cà Mau có 145 sản phẩm được công nhận OCOP (trong đó có 32 sản phẩm 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao).

Các sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng thông qua nhiều kênh bán hàng như: Điểm giới thiệu và bán sản phẩm đặc sản, đặc trưng OCOP gắn với các khu du lịch trên địa bàn tỉnh, một số sản phẩm được đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm…


Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phúc Đức Tiến cho rằng mỗi sản phẩm OCOP mang vai trò là "đại xứ" của từng vùng miền. Ảnh: An An

Đặc biệt, có nhiều sản phẩm đã liên kết với các đại lý ngoài tỉnh như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Nội… Điều đáng phấn khởi là có một số sản phẩm đã được kết nối trên sàn giao dịch thương mại điện tử; 100% các sản phẩm OCOP của Cà Mau đều được đưa lên trang sàn thương mại điện tử của tỉnh (madeincamau.com).

"Sau khi được công nhận, để đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu của thị trường, các chủ thể đã chủ động mở rộng vùng nguyên liệu, đầu tư nhà xưởng, nâng cấp trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Sử nói và cho biết, kết quả khảo sát cho thấy các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận có doanh thu tăng khoảng 10-30%, hầu hết giá bán sản phẩm tăng 20%, cá biệt có một số sản phẩm giá bán tăng 25 - 30%...

Đến nay, Cà Mau có 145 sản phẩm được công nhận OCOP (trong đó có 32 sản phẩm 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao). Ảnh: An An

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương vùng ĐBSCL đã có hướng tiếp cận phù hợp khi tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, gắn với lợi thế của các vùng nguyên liệu tập trung tại chỗ. Đồng thời, hoạt động xúc tiến thương mại cũng đã được quan tâm, chỉ đạo triển khai.

 "Có thể nói, mỗi sản phẩm OCOP đã mang trên mình vai trò như một "đại sứ" của từng vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang nhiều tính nhân văn. Sản phẩm OCOP đã và đang đáp ứng được nhu cầu của thị trường về tiêu dùng các sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương", ông Tiến nói.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, việc phát triển các sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh nông nghiệp, đặc biệt là gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch của các địa phương. Đặc biệt là các sản phẩm OCOP đang mở ra tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời, góp phần không nhỏ trong việc quảng bá giá trị văn hóa, du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của từng địa phương.

Cũng tại hội nghị, các nhà lãnh đạo, các chuyên gia và đại diện các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm, tham gia đóng góp nhiều ý kiến xung quanh vấn đề giao thương kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại…

Hội nghị đươc kỳ vọng góp phần hỗ trợ tích cực cho các chủ thể OCOP tỉnh Cà Mau nói riêng, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nói chung sẽ cùng với các địa phương khác trên toàn quốc tìm được cơ hội hợp tác, xây dựng kênh liên kết, tiêu thụ ổn định thông qua các hệ thống siêu thị và các nhà phân phối, thương mại.

Hoàng Hạnh

*Nguồn từ: Báo Dân Việt

Thứ hai, ngày 11/12/2023 15:20 PM (GMT+7)


Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 37
  • Trong tuần: 849
  • Tất cả: 91013
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NÔNG THÔN MỚI TỈNH NINH THUẬN
Chịu trách nhiệm nội dung : Văn phòng điều phối chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Địa chỉ: Số 163 , đường 21/8, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận
Điện thoại : (0259) 3522063 ; Fax : (0259) 3828070  ; Email : vpdpninhthuan@gmail.com