Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

Sáng ngày 5/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Thuận có đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; đại diện lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo tỉnh và đại diện lãnh đạo các huyện, thành phố.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Thuận.

Theo báo cáo, đến tháng 7/2022, cả nước đã có 5.813/8.227 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 2,4% so với cuối năm 2021. Trong đó, có 803 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tăng 300 xã so với cuối năm 2021 và 94 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tăng 51 xã so với cuối năm 2021; có 254 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 41 đơn vị so cuối năm 2021, chiếm khoảng 39,2% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước; 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 05 tỉnh là Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.  

Tham gia thảo luận hội nghị, các địa phương đã trình bày những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình về cơ chế, chính sách, về phân bổ nguồn vốn …

Nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020, phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương cần thay đổi tư duy về xây dựng nông thôn mới, không thể mặc “đồng phục nông thôn mới” cho tất cả các địa phương.  

Đối với các tỉnh, ngoài nguồn vốn trung ương, cần lồng ghép với nguồn vốn địa phương, kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa, vừa thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, vừa tạo không gian cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; huy động sự tham gia của nhân nhân, tạo nguồn lực và đồng hành sát sao với các cơ sở; cần thay đổi cách tiếp cận chương trình xây dựng nông thôn mới, không chỉ tập trung vào phát triển hạ tầng mà cần đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững, giữ gìn và phát huy bản sắc nông thôn; cần chú ý đan xen giữa công trình và các mảng xanh tạo ra những không gian sinh hoạt cho cộng đồng, sự giao lưu kết nối cư dân, mở ra cách tiếp cận với khu vực đô thị. Tiếp tục tổ chức lại sản xuất trên nền tảng tổ chức lại xã hội nông thôn số theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến, kinh doanh nông sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, phát triển kinh tế nông thôn theo phương châm “ly nông bất ly hương”; phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn; nhân rộng các mô hình xây dựng làng thông minh, làng du lịch văn hóa góp phần kích hoạt, thay đổi nếp sống nông thôn theo hướng văn minh; phát huy các mô hình có tính sáng tạo, hiệu quả để tạo nên bản sắc riêng biệt của từng địa phương; khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, ban hành các văn bản quản lý, điều hành tổ chức thực hiện chương trình; kiện toàn hệ thống bộ máy tham mưu, giúp việc ban chỉ đạo các cấp; xây dựng lộ trình triển khai kế hoạch vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được giao năm 2022.


Đình Trưng

 



 


Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 79
  • Trong tuần: 674
  • Tất cả: 86817
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NÔNG THÔN MỚI TỈNH NINH THUẬN
Chịu trách nhiệm nội dung : Văn phòng điều phối chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Địa chỉ: Số 163 , đường 21/8, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận
Điện thoại : (0259) 3522063 ; Fax : (0259) 3828070  ; Email : vpdpninhthuan@gmail.com