Ninh Thuận biến nắng nóng thành lợi thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Đây là khẳng định của ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận trao đổi với NNVN về chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp của địa phương.

Ninh Thuận được biết đến là vùng đất có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất nước. Mỗi năm mùa mưa chỉ kéo dài khoảng 3 tháng, còn lại là nắng nóng, lượng bốc hơi nước lớn hơn lượng mưa là điều kiện bất lợi cho sản xuất nông nghiệp khi nguồn nước khan hiếm, tình trạng hạn hán thường xuyên xảy ra.



Nắng nóng quanh năm là lợi thế để phát triển nông nghiệp

Thưa ông, Ninh Thuận là địa phương có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất cả nước, nắng nóng quanh năm. Tuy nhiên chính nắng gió nhiều lại là lợi thế để Ninh Thuận phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù mang lại giá trị cao, có lợi thế cạnh tranh?

Mặc dù Ninh Thuận chúng tôi là địa phương có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất nước, nắng nóng quanh năm, nhưng chính nắng gió nhiều lại là lợi thế để Ninh Thuận phát triển theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đây cũng là lợi thế trong việc hướng đến sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) nhằm tạo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm do giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong phòng trừ bệnh. Năng suất cây trồng, vật nuôi cũng cao hơn các vùng khác do khả năng tăng trưởng lớn và gia tăng sản lượng do rút ngắn thời gian sinh trưởng trong một chu kỳ. 
Hệ thống giao thông nội tỉnh đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa đầu vào và đầu ra trong sản xuất nông nghiệp đến tận xã; liên kết dọc và liên kết ngang đã và đang hình thành trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận, qua đó tạo tiền đề để chúng tôi phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất - sơ chế, bảo quản, chế biến - tiêu thụ giữa doanh nghiệp - nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Nho là cây trồng thích hợp khí hậu nắng nóng của Ninh Thuận, có giá trị rất cao. Ảnh: Ngọc Khanh.

Khi Hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ và Sông Than đưa vào sử dụng sẽ tưới trực tiếp cho một diện tích rộng lớn trước đây thiếu nước, giúp ngành nông nghiệp Ninh Thuận sẽ “cất cánh”. Vậy tỉnh xác định phát triển nông nghiệp theo hướng nào và những sản phẩm gì thưa ông?

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định nhiệm vụ trọng tâm đó là tập trung phát triển các lĩnh vực trọng điểm, gồm năng lượng sạch, du lịch đẳng cấp cao, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, kinh tế đô thị... Từng bước hình thành các vùng nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xuất khẩu và phát triển du lịch…
Để thực hiện nhiệm vụ trên, chúng tôi xây dựng mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phục vụ tốt nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Lựa chọn một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có tiềm năng để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Ông Lê Huyền cho biết, Ninh Thuận sẽ tập trung thu hút các doanh nghiệp vào nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Ngọc Khanh

Với việc các công tình thuỷ lợi lớn chuẩn bị đưa vào sử dụng cùng với trên 20 hồ thuỷ lợi đã được đầu tư trước đó thì cơ bản giải quyết được tình trạng khô hạn thiếu nước tưới giúp ngành nông nghiệp có rất nhiều thuận lợi phát triển. Từ thuận lợi đó, thời gian tới chúng tôi tiếp tục tập trung phát triển các loại cây trồng chủ lực, đặc thù của địa phương như nho, táo, tỏi, măng tây, nha đam. Đây là những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế rất cao và có lợi thế cạnh tranh lớn. Ngoài ra chúng tôi còn mở rộng diện tích một số cây trồng có tiềm năng phát triển theo nhu cầu thị trường.

Tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao
Toàn tỉnh hiện có hơn chục doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và mang lại giá trị rất cao, có những đơn vị thu nhập cả tỷ đồng/ha. Ông đánh giá như thế nào về thực tế này?

Năm 2016 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về  nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016 - 2020. Sau hơn 4 năm triển khai, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chúng tôi có bước phát triển khá toàn diện, cả về quy mô, năng suất, sản lượng.
Việc triển khai và nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân được chú trọng. Nhiều doanh nghiệp và hộ sản xuất bước đầu đã triển khai ứng dụng công nghệ cao vào một số khâu trong quy trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Một số sản phẩm đặc thù của tỉnh đã khẳng định được lợi thế cạnh tranh, thương hiệu và thị trường.

Táo xanh là cây trồng chủ lực của Ninh Thuận có giá trị kinh tế rất cao. Ảnh: Minh Hậu.

Thực tế các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp theo mô hình ứng dụng công nghệ cao đều cho giá trị sản xuất trên 1ha đạt trên 300 triệu đồng, nhiều mô hình đạt lợi nhuận từ 500 triệu đến 3 tỷ đồng/ha/năm như trồng dưa lưới, nho, táo, măng tây xanh, hoa lan, tôm chân trắng, ốc hương…
Ngoài ra, chúng tôi còn quan tâm tạo điều kiện thu hút, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển sản xuất ổn định lâu dài. Đến nay đã có 15 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động có hiệu quả.

Doanh nghiệp chưa đầu tư nhiều vào nông nghiệp nhất là nông nghiệp công nghệ cao ở Ninh Thuận do cơ sở hạ tầng cò hạn chế, nhiều chính sách còn bất cập, thưa ông?

Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương nhưng chúng tôi vẫn còn nhiều hạn chế để thu hút đầu tư phát triển.
Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Ninh Thuận mới chỉ là bước khởi đầu, quy mô nhỏ lẻ, chưa đóng vai trò trung tâm cho hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của địa phương. Đa phần các nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có doanh nghiệp lớn đầu tư làm hạt nhân để gắn kết với doanh nghiệp địa phương.
Điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, thị trường tiêu thụ không thuận lợi; đất đai diện tích nhỏ lẻ, phân tán, nguồn vốn đầu tư chưa tương xứng... Chúng tôi chưa hình thành được các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chưa có vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nào được công nhận đáp ứng theo tiêu chí, chưa có doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. O đó hầu như chưa có các chủ thể đóng vai trò tiên phong, đầu tàu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tiềm lực và năng lực ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh vẫn còn rất hạn chế. Trước khi có Nghị quyết của Tỉnh uỷ, sản xuất nông nghiệp của chúng tôi có trình độ ứng dụng công nghệ khá thấp, thời gian triển khai mới được 4 năm nên chưa có đủ thời gian để có tác động rõ ràng đến sản xuất. Chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đủ mạnh, đồng bộ để thu hút các doanh nghiệp quan tâm.
Dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp hầu như chưa có (nguồn giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nguyên vật liệu sản xuất nông nghiệp đa số còn phải nhập từ nước ngoài hoặc các tỉnh khác).

Phần lớn nhà đầu tư đề xuất đăng ký đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh quan tâm sự hỗ trợ về chính sách đất đai, giải phóng mặt bằng, tuy nhiên theo các quy định của pháp luật về đất đai, chính sách hỗ trợ về đất đai, tích tụ ruộng đất… hiện nay còn nhiều bất cập khiến việc thu hút kêu gọi đầu tư bị ảnh hưởng.

Nho là thế mạnh để thu hút các doanh nghiệp vào đầu từ trồng và chế biến sau. Ảnh: Minh Hậu.

Ninh Thuận có nhiều sản phẩm đặc thù, tuy nhiên mới dừng lại ở sơ chế, chế biến sâu chưa nhiều do vậy chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vậy tỉnh Ninh Thuận ngoài kêu gọi đầu tư thì khâu chế biến sâu cũng phải tính tới, thưa ông?

Đúng vậy, thời gian qua mặc dù tỉnh chúng tôi có nhiều sản phẩm đặc thù, tuy nhiên mới dừng lại ở khâu bảo quản, sơ chế. Còn khâu chế biến sâu chưa nhiều, vì vậy chưa nâng cao giá trị gia tăng chuỗi sản phẩm hàng hóa. Để khắc phục tình trạng này, một trong những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong thời giai đến chúng tôi đã xác định thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp là nòng cốt, trung tâm.
Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi đẩy mạnh liên kết hợp tác từ sản xuất - chế biến-tiêu thụ theo chuỗi giá trị; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm. Trong đó chúng tôi quan tâm và có chính sách hỗ trợ để ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực chế biến sâu các sản phẩm nông lâm thủy sản gắn với Chương trình OCOP để tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng; tăng cường liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp - HTX - hộ sản xuất để đầu tư phát triển sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ninh Thuận tiếp tục xây dựng chính sách để mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiêp. Ảnh: Ngọc Khanh.

Tiếp tục xây dựng chính sách, thể chế để mời gọi các doanh nghiệp
Để thu hút nhiều doanh nghiệp hơn nữa, nhất là các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao có lợi thế, thế mạnh, thời gian tới Ninh Thuận vẫn còn nhiều việc phải làm thưa ông?

Hiện nay chúng tôi đang tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện trong thời gian đến. Tập trung nguồn lực và thu hút đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng như thủy lợi, giao thông, điện…các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được quy hoạch của tỉnh.
Định hướng lựa chọn công nghệ, đối tượng ưu tiên cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù, có tiềm năng của địa phương.
Tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghê cao. Hàng năm, chúng tôi bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh tương ứng từ 8 - 10% giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp để thực hiện các chính sách này.
Mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản; liên kết hợp tác từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ theo chuỗi giá trị; xúc tiến thương  mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm. Đồng thời xây dựng cơ chế thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Xin cảm ơn ông!

Ninh Thuận đang tập trung xây dựng các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, dịch vụ cung ứng giống, vật tư, thiết bị phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, dịch vụ cung ứng giống, thiết bị, vật tư. Đồng thời thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc doanh nghiệp có quy mô lớn hoạt động lĩnh vực nông nghiệp ngoài tỉnh đầu tư làm hạt nhân để phát triển nông nghiệp trong tỉnh.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 65
  • Trong tuần: 1117
  • Tất cả: 90029
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NÔNG THÔN MỚI TỈNH NINH THUẬN
Chịu trách nhiệm nội dung : Văn phòng điều phối chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Địa chỉ: Số 163 , đường 21/8, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận
Điện thoại : (0259) 3522063 ; Fax : (0259) 3828070  ; Email : vpdpninhthuan@gmail.com